Đó là một buổi chiều nhiều gió. Áo bỏ ngoài quần, cặp vác một bên vai cho thêm ngầu, Du lên lầu ba của trường, chỗ cuối hành lang để gặp một người đặc biệt. Nếu quay ngược thời gian, nó đã không làm chuyện điên rồ đó.
Mặc cho gió làm mái tóc biểu tình dữ dội, nhỏ đứng dựa vào lan can, hai tay tạo hình chữ A chống cằm nhìn xuống sân trường. Thời gian chưa bao giờ thể hiện tính tương đối của nó như lúc đó, một giây như thập kỷ. Du thẫn thờ, nó chưa từng nghĩ mình đủ may mắn để hẹn gặp được nhỏ. Nếu nhỏ thích một thằng con trai khờ khạo và vô duyên thì may ra nó còn có cửa.
Nhỏ hay bảo tóc nhỏ vàng bẩm sinh không nhuộm, nếu Trịnh Công Sơn nhầm màu nắng với màu mắt người yêu thì e rằng ca này Du lại nhầm với màu tóc của nhỏ. Du đến nhưng không có dấu hiệu sẽ cho biết là mình đã đến, nó chỉ muốn đứng đó nhìn nhỏ, chìm luôn vào làn gió để lướt qua mái tóc kia thì càng tốt, biết đâu nó mở mồm lại thốt ra mấy từ vô duyên làm đây là lần đầu cũng như lần cuối nó được gặp nhỏ.
Nhưng mà thà là vậy Du nhỉ…
Đằng sau màn hình điện thoại mỗi lần chơi game nó chửi tung tai nghe đối phương, nhưng chiều đó nó muốn mình thật điềm đạm và tế nhị. Đứng qua bên trái, Du khều vai phải nhỏ.
Chắc nhỏ cũng đã biết thừa Du đứng nhìn trộm nãy giờ, tiếng chân lên cầu thang ì ạch của thằng Du chắc người lãng tai như bà ngoại nó cũng nghe được, nhỏ chả có vẻ gì là bất ngờ.
Hai người nói chuyện cũng nhiều nhưng Du chẳng nhớ được gì. Những gì nhỏ nói nó vẫn nghe và gật gù, nhưng bộ não vô dụng của nó chỉ tập trung mỗi lúc được một thứ thôi… Đó là nụ cười của nhỏ.
Du nhớ mẹ nó hay bảo nó có má lúm đồng tiền, người có hai cái hố này bên má cười rất duyên, nó không tin lắm vì cơ bản nó tự thấy nụ cười của mình chỉ có mẹ nó khen đẹp, nhưng lạ thay cái gì Du nghĩ là mình biết trước giờ đều thành sai từ khi nó gặp nhỏ.
Cư dân thế kỷ 21 khó lòng mà chấp nhận lối hành văn này nhưng Du bất lực chìm đắm vào nụ cười của nhỏ, nhất là hai cái lúm đồng tiền như thể có giá trị dùng mua được cả mặt trăng để làm sân sau. Hoặc là khi nói về một người nó thương, Du không cho từ vựng nào xấu xa hiện ra trong đầu mình.
Chiều hôm đó là điều đẹp nhất trước giờ trên trục thời gian Du từng được đi qua. Nhưng như cách vũ trụ vẫn luôn vận hành suốt 13.8 tỷ năm, mỗi một sự kiện luôn có một sự kiện khác nối tiếp, và tất cả những gì con người có thể làm là an nhiên sống qua từng cảnh đẹp hay thời khắc đau thương đó.
Như hầu hết những cuộc tình diễn ra thời học sinh, năm đó mọi thứ chả đi đúng những gì quả óc lãng mạn của Du vẽ ra. Nó ước mình có một cục tẩy dùng cho tâm trí, như những nét nguệch ngoạc trên giấy, xóa một cái là xong, sao trí nhớ con người ghi lên dễ mà xóa đi thật khó khăn.
Vùng ngoại ô mang tên Lalor của Úc thưa thớt người, Du làm bạn với cái tai nghe mỗi lần lên chuyến tàu đến trường. Bận rộn với cuộc sống xa nhà, nó tạm cất đi những buổi chiều thời cấp ba.
Thi thoảng lang thang trong thư viện tâm trí, thói hoài niệm bắt nó lục lại, phủi phủi lớp bụi mỏng, những buổi chiều giờ thành vài tấm hình chụp film xếp ngay ngắn trong hộc tủ.
Nó cố nhưng không tả được mấy tấm hình đẹp hay xấu, đáng nhớ hay nên lãng quên, nó chỉ muốn nhìn thật chăm chú. Những cảm xúc không theo hàng lối, không rực rỡ cũng không như mấy tấm ảnh trắng đen, một tông màu đơn giản nhưng cũng đủ làm nó bần thần gửi tạm đôi mắt lên mấy nhánh cây vào thu không còn treo nổi một chiếc lá.
Giọng ca của Karen Carpenter tưới ướt nỗi lòng của Du suốt những chuyến xe vào trung tâm kéo dài hơn 45 phút. Những chuyến tàu dạy nó cách buồn của một người trưởng thành, những cơn buồn luôn tồn tại nhưng không hiện diện, canh khi rảnh rang là âm thầm châm lửa thiêu rụi những nụ cười vốn đã hiếm hoi. Má lúm đồng tiền giờ phẳng lì hệt mặt hồ yên ả phía đối diện sân ga.
Cũng được vài năm, nét mặt thì lạnh căm mà con tim chưa chịu nguội. Du tìm nhắn tin lại với nhỏ. Lúc này nhỏ đã vào đại học. Du hy vọng 7000 cây số từ Melbourne đến Sài Gòn là đủ xa để con tim nó thấy bất lực, chịu nằm im nghe lời lý trí và bớt mu muội.
Vẫn cái kiểu trơ trơ trước những câu đùa nhạt nhẽo, vẫn những tin nhắn lạnh lùng nhưng đủ làm ấm lòng kẻ mộng mơ, vẫn màu tóc làm nắng tự ái lùi về sau. Úc xa lạ ngày nào bỗng trở nên thật đẹp, 7000 cây số như sát lại bằng cái cầm tay. Toa tàu thi thoảng là có tiếng cười khúc khích, thứ nhạc thập niên 70 cũng trở nên yêu đời đến lạ.
Nhỏ chợt thành cô họa sĩ vắt cọ bên tai tô thêm màu cho bức tranh tâm trạng vốn đầy u ám của Du. Hành lang ngày nào đã có những lời muốn nhưng chưa kịp nói, những bài nhạc thủ thỉ chưa tìm được lối đến tai người nghe nay đã yên mình nằm vào những đoạn ghi âm thu vội trên những chuyến tàu về lại vùng ngoại ô.
Những đêm Lalor trở lạnh Du không còn thui thủi ngắm trăng cùng bản hợp ca rợn người của mấy mụ quạ không mời mà đến nữa.
Đợt đó có dịp bay về Sài Gòn, chuyến bay tám tiếng đồng hồ đầy kế hoạch và ấp ủ. Dành ra mấy hôm ôm ba ôm mẹ, sửa soạn tóc tai, mua quần áo mới, Du quyết chạy đi mua cho nhỏ một ly trà sữa.
Ở bên Úc nó thèm trà sữa hơn bò thèm cỏ, tự dưng giờ chả thèm nữa, cũng chả quan tâm trà sữa bao tiền, truyền thống hay top thịnh hành, bỏ trân châu hay chân trâu, chân bò gì ở trỏng, miễn là có lý do gặp nhỏ.
“Nắng Sài Gòn oi bức hơn nắng Úc, bên đó cũng nắng y chang nhưng gió lạnh muốn hoại tử vành tai nên thấy không nóng nực”, Du vừa nghĩ thầm vừa đứng chỗ đống gạch trước nhà đợi nhỏ ra nhận hàng, quẹt tay áo lau mặt sợ mồ hôi làm trôi vẻ điển trai chỉ mẹ công nhận của nó.
May là hôm đó nhỏ đeo khẩu trang, thử mà không có lớp vải xanh da trời làm giảm sát thương từ nụ cười năm nào chắc đợt đó nó phải về nhà bằng xe cứu thương còn miệng thì trăng trối “ba mẹ ơi con chịu hổng nổi…”
“Ra gặp anh nhận trà sữa thôi mà làm gì đeo khẩu trang đề phòng dữ vậy?” Du vừa hỏi vừa cười với hy vọng nhỏ biết là nó đang giỡn.
“Tại em đang để mặt mộc đó! Hỏi vậy cũng hỏi nữa…”
Du cười hì hì cho đỡ quê, nhiều lúc nó nghĩ hay là về đổi họ trong giấy khai sinh thành Diên để Facebook hiện mình là Du Diên cho rồi. Phần còn lại của cuộc nói chuyện nó lại ghi vào bộ nhớ đệm hệt lần đầu gặp nhỏ và quên hết trên đường về.
Trên đời này không có người bẩm sinh là yếu đuối và người vừa sinh ra đã cứng cỏi, chỉ có người sống chung với sự yếu đuối và người chọn che giấu sự yếu đuối của mình.
Đó là cách Du vẫn hay bao biện cho thói nhạy cảm của mình, nó tự nhủ mình chỉ đang sống thật thôi chứ ai mà không yếu đuối. Đời dạy nó cảm giác thất bại và cũng chính đời dạy nó cách gồng mình đi tiếp. Với một kẻ mộng mơ xấu số như nó thì cuộc đời quả thật là một cơn ác mộng triền miên.
Thư viện kỷ niệm của Du có thêm buổi chiều hôm nọ cùng ly trà sữa. Đối với một thằng như nó, không có gì sung sướng hơn cảm giác được chăm lo cho người nó thương. Và do đó cũng ở mức độ tương tự, không có gì đau đớn hơn là không còn quyền được chăm lo cho người nó thương nữa. Những câu hỏi vẫn thường trực chờ được gửi đi, những đoạn ghi âm ngắn dần khi ngôn từ nhường chỗ cho tiếng nấc nhẹ.
Tôi nghĩ Du yếu đuối, nó cũng không muốn mình yếu đuối, nó tìm tới tôi vào những ngày Sài Gòn tối sậm. Tôi thấy nó đủ tố chất để làm một người bạn trai tốt, nhưng thiểu rất nhiều để làm một thằng con rể đàng hoàng. Nó từ chối bia rượu, đường cao tốc đến địa vị cao trong xã hội hiện tại. Nó không coi trọng bằng cấp nên xã hội cũng không ai coi trọng nó.
Du tâm sự với tôi nhiều, tôi thì toàn chửi nó ngu. Đợt nó cho tôi nghe bài ca nó viết, tôi cằn nhằn, “Mày muốn có bồ thì thôi cái kiểu mộng mị đó đi.”
“Nhưng sao vậy, cái mình gọi là sến bây giờ hồi đó người ta lại ngưỡng mộ chết mê chết mệt mà mày. Mày nhớ bài Tôi yêu em của Puskin không, má đọc muốn rưng rưng.”
“Đó là xưa, bây giờ ai thèm ba cái đó nữa, mày ủ rủ như thằng đàn bà gái nào yêu mày”. Tôi bất lực cau mày. “Người ta nhận tình cảm mày là may rồi, còn đợi hồi âm nữa!”
“Buồn ha mày, không biết sách giáo khoa văn sau này sẽ có những gì, chắc toàn tiền, gái, bóng cười và mấy cái cà vạt dùng sai chỗ…”
Cuộc nói chuyện nào cũng kết bằng câu chửi của tôi và cái gật gù ngậm ngùi của nó. Nói nó sai hoàn toàn thì cũng, nhưng nói đời nó xui toàn tập thì không chối cãi được.
Dạo gần đây nó lạc đâu mất tăm, cái miệng không hát thì nói nhảm của nó hiếm khi chịu im tiếng lâu ngày tới vậy. Chắc nó giận tôi, thằng đàn bà như nó giận tôi cũng không có gì lạ, không cười nhạo thì tôi cũng chửi nó ngu.
Thấy cũng lo lo, tôi ghé qua thư viện chỗ nó hay dành ra cả ngày trời ngồi thơ thẩn nghĩ ngợi về nhỏ. Thư viện ngày nào nó dọn dẹp sạch bong không một hạt bụi, giờ tối mù mạng nhện bám kín lối đi. Có mấy tấm hình nó dán bên bìa tủ, tấm chụp góc hành lang cấp ba, tấm tin nhắn nhỏ chúc nó ngủ ngon bên Úc, tấm chụp ly trà sữa truyền thống nhiều trân châu, nó dán ở nơi dễ thấy nhất. Bởi cái dở của kẻ mộng mơ là luôn coi trọng điều tốt đẹp và quên mất sự tồn tại của cái xấu xa.
Tôi bước chầm chậm vào những ngăn kệ sâu hơn, nơi Du vẫn hay nói với tôi là nó không dám vào. Tôi lục từng ngăn, có tấm hình nhỏ đi chơi cùng ai đó hồi cuối cấp ba, hèn gì tối hôm đó nó ủ rủ không nói với tôi câu nào cứ ngồi cầm đàn hát vu vơ, vậy mà nó cũng lưu cho được. Còn cả tấm hình gia đình nhỏ nhìn nó với cặp mắt khinh bỉ, tội thằng bạn tôi, cũng tại nó không lo lao ra đời kiếm tiền, suốt ngày đâm đầu theo đuổi đam mê.
Tôi bước ra khỏi thư viện nhìn ra phía ga xe lửa, Du đứng đó đưa mắt nhìn lại phía tôi, cặp mắt của thằng con trai yếu đuối nhiều điều muốn nói, tay nó cầm một xấp những tấm hình nụ cười của nhỏ. Nó bước lên chuyến tàu, gắn tai nghe vào tai và tôi biết chắc là nó lại nghe cái loại nhạc thập niên 70 u ám đó.
Cứ thế tôi nhìn nó xa dần qua ô cửa kính toa tàu, nơi tôi với nó vẫn hay ngồi hàn thuyên về cuộc sống xa nhà và những buổi chiều Melbourne rủ lá rơi kín nóc sân ga.
Sáng nay tôi nghe tin là nó chết rồi, Du chết rồi, nó chết trên chuyến tàu về vùng ngoại ô cùng với nụ cười của nhỏ. Nó chết vào cái ngày nó và nhỏ thôi nói năng. Tôi biết nó vẫn tha thiết sống, cuộc đời vẫn còn nhiều điều đẹp cho nó viết vào nhạc, nhưng chắc là tỏ ra mạnh mẽ không phải sở trường của nó.
Góc thư viện của Du tôi vẫn hay lau dọn vì tôi biết thằng bạn của tôi quý mấy bức hình với những dòng nhật ký này hơn cả tính mạng nó. Câu chuyện nào nó kể tôi cũng nhớ rõ, lắm lúc tôi còn lấy cảm hứng viết thành văn.
Du hiền lành, chân thành và giàu tình cảm, thứ khó tìm vào thời đại con người chỉ biết làm nô lệ cho cái tôi. Mỗi lần Sài Gòn đổ mưa, tôi viết giùm nó mấy bài nhạc. Hồi ấy Du hay vác ghế ra ngồi trước cửa thư viện, ngắm mưa rơi và xem lại mấy tấm hình, thói quen hiếm thấy của một thằng đôi mươi.
Đầu óc nó nhiều nghĩ ngợi, nó không nói nhưng tôi biết, nó sợ tôi lại chửi nó khùng điên nên toàn giữ trong lòng.
Tôi quyết định dọn dẹp thư viện của nó lần cuối. Du chắc không muốn tôi ra vào nhiều, nó muốn giữ những kỷ niệm làm của riêng. Ký ức là thứ thiêng liêng đối với nó, là bằng chứng rằng nó đã mượn cuộc đời một ít thời gian để tồn tại.
Tôi khóa cửa phòng, chậm rãi dán một mảnh giấy ở ngoài với dòng chữ viết tay:
bình an nhé một tôi đã không còn!