Trong Những lựa chọn tôi đã phân tích một góc nhìn mới lạ, tóm tắt lại là tất cả những ý nghĩ và lựa chọn của chúng ta là sản phẩm của những tương tác, phản ứng trong từng thời điểm. Các phản ứng này phụ thuộc vào kết quả của phản ứng trước đó, chuỗi tương tác này đã và đang kéo dài, tiếp diễn từ lúc vũ trụ hình thành và đến một thời điểm vô định nào đó trong tương lai.
Góc nhìn này làm nảy ra một câu hỏi nghe có vẻ rất hợp lý. Nếu tất cả lựa chọn này là do phản ứng, sinh hóa, vật lý thì việc phạt tù một kẻ tội đồ là có thích đáng và công bằng không? Khi những lựa chọn dẫn đến tội ác nằm ngoài quyền kiểm soát của hắn.
Chẳng lẽ chúng ta đổ lỗi cho Big Bang, cho vật lý hay một đấng thần linh nào đó đã khởi đầu lên chuỗi phản ứng này? Hay có một chuyện đùa như thế này cho dễ hiểu. Một cậu bé làm bài kiểm tra được mỗi 2 điểm.
“Tại sao con được có 2 điểm thế?!”, mẹ cậu bé mắng.
“Tại mẹ không biết đấy thôi, sở dĩ con bị 2 điểm là do mười mấy tỷ năm trước, lúc vũ trụ hình thành… nên hôm đó con mới không thuộc bài đấy chứ!”
Để nói tiếp về vấn đề này, chúng ta nên tự hỏi lý do tồn tại của sự tự do ý chí. Xin phép được dùng từ free will từ giờ về sau để câu chữ ngắn gọn hơn, vì đã phá lệ như tôi đã nói ở bài Chém tiếng Anh, tôi không thích dùng tiếng Anh bừa bãi trong các bài viết của mình.
Hãy tưởng tượng anh chàng nọ đang có một gia đình đầm ấm, một vợ, một con. Một ngày nọ có cơn lốc cuốn qua thổi tung ngôi nhà, khiến vợ và con anh ta cũng vì đó mà qua đời. Anh ta đau khổ tột cùng, mất hết nghị lực sống, chỉ muốn tìm đường chết để không còn cơ hội cảm thấy đau thương. Đó là những cảm xúc sẽ hiện ra trong tâm trí anh ấy. Anh ta không thể hận thù, vì thiên nhiên là thứ không ai kiểm soát được, dù có thù cũng chẳng biết thù ai, thù cái gì, vì cũng không hiểu từ đâu có cơn lốc đó.
Giờ hãy thử thay đổi câu chuyện một tí. Gia đình của anh bị một tên trộm ghé thăm lúc nửa đêm, hắn giết vợ và con anh ấy. Tên trộm chỉ vừa kịp đập vào gáy cho anh ta ngất đi rồi bỏ trốn. Thử nhìn vào tâm trí anh ta lúc này, anh đau khổ tương tự ví dụ phía trên về cơn lốc, nhưng sẽ có một cảm xúc khác xuất hiện, sự hận thù.
“Tại sao lúc này tâm trí anh lại có sự xuất hiện của hận thù?”, tôi hỏi anh ấy.
“Vì chính tên trộm, chính hắn đã giết vợ con tôi, nếu không có hắn, vợ con tôi vẫn đang còn đây. Tất cả là do hắn và lựa chọn của hắn!”
Chúng ta hiểu về hiện tượng tự nhiên, một cơn lốc sẽ xuất hiện khi có đủ điều kiện về nhiệt độ, địa hình… mỗi một yếu tố có một nguyên nhân sâu xa của nó, dựa trên mối quan hệ nhân quả. Nghĩa là những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của anh ấy. Việc kết tội cơn lốc là không thể, và không mang lại tiến triển gì trong việc giảm bớt đau khổ cả. Vì muốn trả một món thù, anh ấy phải biết ai là người đáng phải nhận nó. Cơn lốc ấy đã tan biến từ lâu, chính chúng ta cũng không thể thấy tận mắt cơn lốc trong lúc nó hiện diện, chúng ta chỉ thấy những cát bụi, cây cỏ mà nó cuốn theo, đó đâu phải là cơn lốc.
Còn ở ví dụ về tên trộm, tác nhân là quá rõ ràng, có hình tướng, giọng nói, có suy nghĩ và hành động. Sự xuất hiện của nỗi thù hằn là quá hợp lý. Viễn cảnh tồi tệ nhất cuộc đời tên trộm rất có thể sẽ là lúc anh ta bắt được hắn. Anh ta sẽ bắt hắn chịu những nỗi đau về tinh thần của anh, và nỗi đau về thể xác như của vợ con anh.
Từ đây ta có thể thấy, free will là sản phẩm của một quá trình đối chiếu và mưu cầu công lý. Đối chiếu là do ta tự thấy mình có ý thức, và khả năng đưa ra lựa chọn, nên ta biết rằng người khác cũng có khả năng đó.
Gọi là mưu cầu công lý vì một tên sát nhân thì đáng bị bỏ vào ngục giam. Vì chính hắn là kẻ đưa ra lựa chọn làm việc tồi tàn đó, hắn có một bộ não để suy nghĩ, một thân thể để hành động, và hắn phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Chấp nhận rằng tên trộm không có free will cũng có nghĩa là coi hắn như cơn lốc kia, vô thức, vô ý, và bắt buộc phải làm chuyện hắn đã làm. Và anh chàng xấu số kia không có quyền nổi lên nỗi thù hằn.
Lòng hận thù của con người không chỉ dẫn đến sự sáng chế ra free will mà đôi lúc còn vẽ ra những nhân vật hư cấu, không có thật. Chẳng hạn ở ví dụ về cơn lốc, anh chàng này có thể vẽ ra một vị thần lốc, ông đã kéo cơn lốc ngang nhà anh, ông đã giết hại vợ con anh, vị thần lốc này đáng bị trừng phạt.
Tôi cố tình chọn ví dụ về lòng hận thù để cảm xúc và bản tính sẽ làm câu chuyện thật hơn với người đọc. Thật ra free will cũng thỏa mãn nhu cầu cảm ơn của loài người. Tia sáng mặt trời sưởi ấm con người từ thuở sơ khai nên có rất nhiều nền văn hóa trên thế giới coi mặt trời là một vị thần linh thiêng, cao đẹp, một thực thể có ý chí, có suy nghĩ, và thực thể này đã quyết định cứu giúp con người. Có rất nhiều những vị thần hoặc ma quỷ được thêu dệt nên từ thói quen ý thức hóa vạn vật của chúng ta.
Chúng ta không mang ơn hay thù hận một hành động, chúng ta làm điều đó với cái có trước hành động đó. Cái muốn, cái khởi nguồn của hành động, chúng ta không cảm ơn tia nắng, ta cảm ơn lựa chọn tỏa nắng của mặt trời. Nếu không tìm được cái muốn (cái ý chí, cái will) thì một là ta bỏ qua, hai là ta tự vẽ ra nó.
Đối với tôi, hận thù là một cảm xúc không đáng có, điều này không có nghĩa là tôi không biết hận thù ai bao giờ. Nhưng cũng giống như thói thèm ăn ngọt, nó là một thứ theo ta từ thuở sơ khai, và chính thói quen đó đã giúp ta sinh tồn qua từng thế hệ. Nhưng hoàn cảnh hiện tại, với sự sẵn có của đồ ngọt, và kiến thức về bệnh tiểu đường, ta né tránh bản năng đó. Tùy vào thời đại mà chúng ta nên xem xét lại những thói quen sẵn có trong người, trong DNA của mình.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh thường nói trong các buổi đàm thoại và cụ thể nhất là trong quyển sách Giận của thầy, hận thù sẽ tạo nên một vòng xoáy vô tận, lặp đi lặp lại, ta hận người này, ta trả thù, người đó lại hận ta, họ lại làm ta đau… cứ thế tiếp diễn. Để có một mối quan hệ đem lại hiệu quả tốt đẹp cho cả mình và kẻ có tội với mình, hận thù không phải là một nguồn động lực khôn ngoan.
Câu hỏi đặt ra ở đây là “Không lẽ nhà tù là vô ích? Không lẽ kẻ có tội cứ thế sống tiếp cuộc đời của họ không có án phạt gì?”.
Đối với tôi, câu hỏi này xuất phát từ một khái niệm chưa đủ, chưa đúng về các tù giam. Nhà tù sinh ra không phải để trừng phạt kẻ có tội. Mục đích của tù giam một là để chuyển hóa họ thành người lương thiện, cho họ cơ hội thứ hai để hòa nhập với xã hội, hai là chặn đứng khả năng gây tội ác của họ. Tội càng nặng nghĩa là mức độ nguy hiểm càng cao, tỉ lệ chuyển hóa thành người lương thiện càng thấp, nên tùy vào đó mà có mức án phạt phù hợp.
Chúng ta không thể bỏ tù một cơn lốc, nhưng chúng ta có thể xây những ngôi nhà nhà kiên cố hơn để chặn đứng khả năng gây thương vong về người của nó. Chúng ta không thể phạt tiền tia sét vì đã đánh trúng một người nông dân, nhưng ta có thể xây cột thu lôi để ngăn việc giết người của tia sét.
Nghĩa là dù không có free will, việc ngăn chặn cái xấu nói chung, và một cá thể khỏi khả năng tiếp tục làm việc xấu nói riêng vẫn là việc cần làm. Bộ não đó, nơi diễn ra những phản ứng dẫn đến những hành động đó, dẫn đến những phản ứng ở bộ não khác gọi là “sự buồn bã” sẽ không còn khả năng làm điều đó nữa.
Chấp nhận góc nhìn này, ta sẽ đối mặt với cơn hận thù, và tiêu diệt nó tận gốc. Tại sao lại thù một người vì những lựa chọn họ không có quyền quyết định? Quá khứ của họ không ai thay đổi được, kể cả họ. Nếu nói tên trộm sao không thay đổi suy nghĩ của mình để mà đêm đó không sát hại vợ con anh chàng, tại sao lại không nói sao những năm về trước anh ấy không lấy vợ rồi có con để bây giờ anh ta không phải mất vợ và con? Nghe rất tàn nhẫn nhưng xét về độ vô lý của cả hai vế thì đều như nhau.
Điều gì đã quyết định tên trộm sẽ làm một tên trộm? Quá khứ của hắn, tuổi thơ của hắn, gia đình nơi hắn sinh ra, tổ tiên của hắn, tổ tiên của tổ tiên của hắn… tất cả những sự kiện, mốc thời gian, và cá thể đó đều nằm ngoài quyền kiểm soát của hắn. Sẽ có người hỏi, thế thì sao hắn không chọn lựa khác đi?
Câu hỏi này đã được trả lời kỹ hơn ở bài viết Những lựa chọn. Ví dụ để có thể thay đổi lựa chọn làm ăn trộm, trong lúc đưa ra lựa chọn đó, hắn phải bằng cách nào đó sai khiến các hormones, xung thần kinh, neurons, các phân tử, nguyên tử, quarks… trong đầu mình đừng để xuất hiện quyết định đó. Hoặc có một người nào đó tiêm vào người hắn một lượng serotonin vừa đủ để hắn bớt đau khổ, cho hắn vài trăm triệu và một cuộc sống no đủ để hắn không còn suy nghĩ sẽ làm ăn trộm. Tất cả những yếu tố từ hoàn cảnh cho tới hóa sinh, vật lý đó đều được khởi phát từ những phản ứng trước đó, một chuỗi phản ứng kéo dài từ một điểm nào đó trong quá khứ, nơi khởi nguồn của sự kiện khởi nguồn.
Tôi không bênh vực cho tên trộm, tôi chỉ kể lại câu chuyện dưới một góc nhìn khách quan hơn, dựa trên lý luận thay vì cảm xúc và thói quen mưu cầu công lý sẵn có trong ta. Vì lý luận luôn là phương tiện cứu vớt con người khỏi những cạm bẫy từ cảm xúc theo chân ta suốt chiều dài lịch sử.
Thêm nữa, chuyển hóa lòng hận thù thành việc nhìn nhận và rút kinh nghiệm cũng là một sản phẩm của việc chấp nhận sự không tồn tại của free will, chúng ta sẽ bớt đổ lỗi và quay sang khắc phục những hạn chế đang tồn tại.
Vì không thể phạt tù thiên nhiên nên ta có những biện pháp phòng ngừa thiên tai. Tại sao không nghĩ các tội ác con người gây ra cũng là một dạng thiên tai, một sự thiếu hụt về cái tốt dẫn đến một sự việc xấu xa. Khi đó chúng ta sẽ chú tâm hơn vào giáo dục, vào an sinh xã hội, vào phòng ngừa tội ác thay vì giải quyết hậu quả của những vụ án có thể tránh được.