How Music Got Free

Ngày 20 tháng 12 năm 2023

#books #music
Mục lục

Tôi mở quyển sách ra trên máy Kindle của mình, cũng không kỳ vọng quá nhiều. Thế mà chỉ cần ba ngày tôi đã ngốn hết nó. Một quyển sách, câu chuyện thú vị, hợp với thói tò mò công nghệ của tôi.

Tóm tắt nội dung

Trong cuốn sách này ta có ba mạch truyện song hành lúc đầu tưởng không liên quan nhưng càng đọc càng thấy có gắn kết chặt chẽ:

Karlheinz Brandenburg

Một nhà nghiên cứu, chuyên ngành của ông là điện và toán học. Vào những năm 80, Brandenburg có một dự án, ông nghiên cứu và tận dụng những hạn chế của não bộ trong cách xử lý âm thanh để viết ra một thuật toán lược bỏ phần không quan trọng của một một file âm thanh nhằm giảm dung lượng của nó đến 90% nhưng vẫn giữ lại gần như nguyên vẹn chất lượng - hay gọi ngắn gọn hơn là nén.

Tất nhiên là sẽ có giảm sút chất lượng nhưng với nhu cầu nghe nhạc thường ngày thì gần như không có khác biệt. Ông đặt tên cho định dạng file này là MP3.

Về khả năng nghiên cứu và phát minh thì ông rất giỏi nhưng về truyền thông, quảng bá và cạnh tranh trong kinh doanh thì ông cực kỳ tệ. Phát minh của ông tuy rất có tiềm năng nhưng bao nhiêu lần cạnh tranh với người anh MP2 đều bị chơi xấu rồi thua cuộc dẫn đến mất cơ hội thu hút vốn đầu tư.

Cuối cùng ông đành đăng phát minh của mình lên mạng miễn phí cho ai muốn xài thì xài. Bạn có thể đọc thêm về Brandenburg tại Wikipedia.

Doug Morris

Ông xuất thân là một nhạc sĩ, sau chuyển sang quản lý một công ty sản xuất âm nhạc. Sự nghiệp của ông gắn liền với thời kỳ nhạc hip-hop, rap đường phố nổi bật với các tên tuổi đình đám như Tupac, Snoop Dog, Eminem…

Morris ký với Apple - lúc này quả táo vẫn còn dưới quyền của Steve Jobs - một thỏa thuận mà về sau làm thay đổi cả ngành công nghiệp âm nhạc. Vào năm 2001, iPod ra đời.

Tận dụng dung lượng “tí hon” của định dạng MP3, một chiếc iPod có thể chứa được 10.000 bài hát. Apple bán một bài hát trên iTunes với giá $1. Vấn đề là không phải ai cũng tự nguyện bỏ ra $10.000 để tận dụng hết dung lượng chiếc iPod của mình.

Cùng thời với những năm đầu đời của Internet, sự kết nối và truyền tải thông tin là rất dễ dàng, phải chi mà có thể lên mạng tải nhạc không bản quyền về chép vô cái iPod của mình mà nghe… Nhu cầu này đưa chúng ta đến với câu chuyện của Dell Glover.

Tìm hiểu thêm về Doug Morris tại Wikipedia.

Dell Glover

Cuộc đời Glover lắm thăng trầm, câu chuyện của ông trong quyển sách này bắt đầu từ lúc ông vào làm trong một xưởng sản xuất CD cho công ty của ông Morris, nên nhớ đây là công ty sản xuất âm nhạc gần như lớn nhất nước Mỹ thời điểm này.

Glover vốn cũng thích vọc vạch máy tính, cùng lúc cuối những năm 90, đầu 2000 là thời đại Internet cập bến. Glover lên mạng, lang thang rồi lạc vào một nhóm chat nọ, nơi ông tiếp cận được với một thế giới ngầm, một nhóm “những kẻ bí danh” truyền tay nhau những file MP3 lậu.

Làm việc trong khâu đóng gói CD, mọi chuyện bắt đầu khi ông tìm được một lỗ hổng trong xưởng rồi tuồn được những cái đĩa ra ngoài. Diễn biến rất là kỳ thú, tôi đọc mà căng thẳng theo. Khi đã mang được mấy cái đĩa về nhà, Glover chép ra thành nhiều đĩa rồi bán lại. Ông kiếm được cả gia tài từ việc bán CD lậu. Bán đĩa chưa thỏa đam mê, ông còn đăng lên nhóm chia sẻ nhạc lậu trên Internet, từ đó trở thành thành viên nổi tiếng - dù bí danh - kỳ cựu và uy tín trong thế giới ngầm này.

Trong 7 năm làm việc tại xưởng ông tậu hai ngàn cái đĩa ra ngoài. Có những bản nhạc còn chưa được ra mắt trên thị trường đã bị “rò rỉ” ra ngoài bởi người thợ đóng gói đĩa mang tên Glover này. The New Yorker có một bài đăng riêng dành cho Dell Glover, bài đăng được viết bởi chính tác giả của quyển sách, Stephen Witt.

Nhận xét

Đối với tôi Stephen Witt có một giọng văn rất cuốn hút. Anh đã kể lại một phần lịch sử của Internet, của thế giới hiện đại như một bộ phim có đủ loại tình tiết và làm người đọc khó lòng bỏ được quyển sách xuống.

Điều làm tôi suy ngẫm là từ một món công nghệ mang tên MP3 đã dẫn tới một sự thay đổi quá lớn trong lịch sử thời hiện đại nói chung và ngành âm nhạc nói riêng. Thời nay file âm thanh đã trở nên quá tối ưu, kèm với Internet tốc độ cao, ổn định thì gần như không ai tải file MP3 về để mà lưu trong máy. Sự ra đời của các nền tảng như Spotify, SoundCloud, YouTube đã giết iPod như cách chính những cái iPod nhỏ gọn từng giết đĩa CD.

Trong quyển sách này nó có những kiến thức về công nghệ, về cách não bộ xử lý âm thanh, về kinh doanh, về những khâu quản lý con người, về một xã hội ngầm thời Internet mới lộ diện. Rất cảm ơn Stephen Witt đã tận tâm tìm gặp những nhân vật, hỏi về những câu chuyện của họ, cho họ có cơ hội kể lấy phần của mình!


Bài viết liên quan