Chúng ta, một mớ hạt, không khác gì một quả cam. Chỉ khác một thứ, chúng ta ngộ nhận và tự mãn. Hãy tưởng tượng các electron, neutron và proton là những viên gạch, chúng ta chỉ là một căn nhà mang thiết kế khác, chứ về bản chất, cũng như một viên sỏi, một quả cam, hay một con kiến vàng.
Khi ngôi nhà của chúng ta rệu rạo, những viên gạch dần trở về thành đất cát, mớ hạt này lại cho rằng chỉ có mình mới đủ tư cách để trải nghiệm sự chết. Quả cam chỉ là mấy tế bào vô tri nên chúng không chết, một viên sỏi càng không thể chết, con kiến thì hên xui, tuỳ.
Chúng ta tự nhận mình có linh hồn, rằng ngôi nhà của ta có một chất liệu đặc biệt. Cũng có thể ta đang luyến tiếc mớ hạt này để phải tự trấn an bằng một câu chuyện cổ tích, cố hy vọng một cái kết có hậu.
Rằng một ngày mắt, tai, mũi, lưỡi và bộ óc đã về với đất cát thì ta một cách nào đó vẫn đi lại, thấy, nghe, ngửi, nếm như chưa có gì xảy ra. Đối với tôi thì thật khó để tin một thứ ta chỉ có thể trải nghiệm khi đã chết.
Một con hạc giấy được tạo nên từ một tờ giấy, bung con hạc giấy ra, nó biến mất nhưng tờ giấy vẫn còn. Vậy là ta vừa chứng kiến một con hạc giấy qua đời ư?
Lấy thêm một đống giấy nữa, bung đống giấy ra thành một mớ hạt vật chất, sắp xếp thành một con người, khó nhưng khả thi. Trong quá trình xếp, đến giai đoạn nào thì ta gọi mớ hạt này đã có ý thức? Lúc xếp xong cánh tay? Bàn chân? Quả tim? DNA? Hay bộ não?
Ví dụ ta mất ba ngày để lắp ráp một đống hạt vật chất thành một cơ thể có nhịp tim, hệ tiêu hoá, chuỗi gen của một người nào đó bất kỳ và một bộ não, vật thể đó có ý thức không?
Nó là ai? Người mang chuỗi gen mà nó mang ư? Nó không có vết sẹo anh ta có từ hồi ba tuổi, hay đơn giản là cái hôn đầu. Trí nhớ là gì? Ta có thể tạo ra trí nhớ từ việc sắp xếp các hạt vật chất không?
Trí nhớ là lối mòn của xung thần kinh trong não bộ, tín hiệu đầu vào càng mạnh hay càng thường xuyên thì các neuron thần kinh tham gia xử lý tín hiệu đó càng tiến về nhau và sau này có xu hướng tương tác với nhau hơn.
Giấc mơ là khi não bộ ôn lại, chọn lọc và củng cố những hình ảnh, âm thanh, cảm xúc trong ngày. Những điều đau buồn, đáng sợ, hay cảm xúc mãnh liệt có xu hướng ở lại lâu hơn với quả óc. Góp sức dạy cho ta điều gì cần né tránh, hoặc cần nâng niu.
Khi ta có những ký ức riêng, kiến thức về bản thân, tên tuổi, giới tính, cha mẹ, quê quán, chỗ từng đến, quán từng ăn, người từng yêu, hay đang yêu. Ta dần có khái niệm về tôi.
Nói cách khác, tôi là một quyển tự truyện, neuron thần kinh và xung điện là những dòng chữ, nội dung là những kỷ niệm và trí nhớ, quyển sách tôi tạo thành từ những hạt nhỏ li ti. Trong quyển sách của những người khác, ta là nhân vật phụ, hoặc ta không tồn tại, cũng có khi là nhân vật không thể thiếu.
Như cách con hạc biến mất nhưng cũng để lại vài vết gấp trên giấy. Ta và quyển sách để lại trong một biển vô vàn những hạt nhỏ li ti vài sự khác biệt, và trong quyển sách của những người khác vài mẩu chuyện về mình.
Không khí thở ra cũng là mình, sợi tóc trong góc phòng cũng là mình. Rung động trong không khí từ câu chào nhau khi sáng của ta đã làm vài nguyên tử phải đổi tất cả lịch trình đi lại từ lúc đó đến cuối đời nó, câu chuyện của nó nay đã có mình.
Có mớ hạt từng dính trên người tôi nay đang trôi chảy trong nhánh hoa giấy trước nhà, hạt thì bay ra khỏi khí quyển đang chờ có hành tinh nào vẫy tay rủ rê ghé vào.
Khi chấp nhận được mình là một mớ hạt và cái tôi này cũng chỉ là quyển nhật ký của mớ hạt này trong lúc nó kết thành hình dạng một con người. Tự nhiên thấy mình gần như không có bắt đầu, thấy chỗ kết thúc hình như cũng tan đâu mất rồi.
Những đám mây không chết, họ chỉ chán làm mây lững lờ nên đáp xuống đời làm dòng suối lả lơi.