Dạo một vòng trên mạng xã hội, tôi thấy hình như thế hệ chúng ta đang có một loại nghiện mới, nghiện buồn, nghiện tổn thương. Trước khi bực tức cho rằng tôi là kẻ vô tâm, ra vẻ cao thượng, dạy đời thì xin bạn ít nhất hãy đọc hết bài viết này. Mong lời văn cục mịch của tôi có thể thay đổi được thái độ của bạn…
Trong bài tản văn Viết về nỗi buồn tôi có nói về việc nỗi buồn, nếu đúng thái độ, có thể là thứ dạy ta biết trân trọng những phút vui tươi trong cuộc đời mình, đánh bóng những niềm hạnh phúc giản đơn mà có lẽ nếu không có nỗi buồn thì ta sẽ chẳng thể nhìn ra vẻ đẹp của chúng.
Một triệu vết thương ở đây tôi muốn nói đến những nỗi buồn bạn không thể vượt qua, chính xác hơn là có một thành phần không muốn bạn vượt qua. Thật ngược đời, phần lớn những người sáng tạo nội dung mang khuynh hướng người chữa lành lại là người muốn kéo dài nỗi buồn của bạn đến vĩnh viễn. Vì thật tình mà nói, việc bạn buồn là phần cầu trong bài toán cung cầu của họ.
Lưu ý
Phải nhấn mạnh rằng tôi không nói tất cả mọi người đang làm nội dung chữa lành là sai trái.
Chỉ là một số thành phần có những chiêu trò giữ chân người khác ở lại với nỗi buồn của mình để tiếp tục tiêu thụ sản phẩm của họ.
Lời an ủi sáo rỗng
Đừng thất vọng nhé, mọi ước muốn của bạn đều sẽ thành hiện thực thôi!
Rồi sẽ có người tốt hơn đang chờ bạn.
Buồn nào cũng sẽ qua, cố lên bạn nhé!
Bạn xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn.
Đối với tôi, đây là những câu nói đẩy sự giả tạo đến mức lố bịch. Những câu nói này hoàn toàn không đem lại lợi ích gì cho người đang bị tổn thương. Bạn có thể cho rằng đây là những lời an ủi và người đang buồn bả không cần gì hơn một lời an ủi. Ý kiến này là không sai, nhưng ta phải nhận thức rõ rằng…
Lời an ủi phải đến từ ai?
Một lời an ủi chỉ có hiệu quả khi đến từ một cuộc nói chuyện thân mật, khi ta đủ thân thiết để hiểu người mà ta an ủi. Lời an ủi phải đúng ngữ cảnh, có nội dung liên quan tới nỗi buồn của họ. Sự an ủi phải xuất phát từ một tâm hồn đồng cảm, và để đồng cảm, ta phải hiểu rõ hoàn cảnh của đối phương.
Một người sáng tạo nội dung không thể nào hiểu rõ tâm trạng của hàng nghìn, hàng triệu người theo dõi họ. Chính vì vậy để giữ mình không bị chìm họ phải liên tục đăng những câu rỗng tuếch, vô vị và mang tính sao chép (genetic) như thế. Đó mới chỉ là sự vô nghĩa của những câu sáo rỗng, sau đây ta sẽ đến với tác hại của chúng.
Điều tai hại
Một câu nói an ủi, khi đã không thể xoa dịu vết thương, sẽ chỉ còn tác dụng là nhắc đến nỗi đau đó của họ. Không làm gì khác nữa, nhắc đến thôi, rồi để nổi đau đó trôi nổi trên bề ý thức của tâm thức. Để nạn nhân ngồi đó mà chiêm nghiệm, mà nhìn ngắm nỗi đau một cách bất lực.
Giống như bạn đang bị đau đầu, khi đã quên đi cơn đau và tập trung vào việc khác, tự dưng lại có người nhắc cho bạn nhớ là đầu bạn vẫn còn đau đấy, hãy nghĩ về cơn đau đó đi!
Vì an ủi là biến nỗi đau của ai đó trở nên dễ chịu hơn, chỉ ra điều làm họ đau buồn và tô một màu sắc tích cực lên đó. Nhưng để làm được như vậy, ta phải hiểu rõ nạn nhân. Chẳng hạn như để an ủi cô bạn bị bạn trai đối xử tệ bạc thì một bạn nữ, bạn cô ta có thể nói “Thôi đừng buồn nữa mày, tao thấy thằng đó trước giờ vẫn vậy, mày cứ bỏ qua cho nó, lần này nhắm không tha thứ được thì bỏ nó luôn cho tao, trai trên đời này thiếu gì!”
Một sự an ủi cần có mức độ thân mật nhất định, biết rõ về câu chuyện của nạn nhân, góc nhìn của họ. Tốt nhất là nên có một hướng giải quyết cụ thể. Ít nhất thì đối với tôi đó mới thật sự là một lời an ủi có giá trị. Bằng không thà đừng nói gì, đừng nhắc họ nhớ rằng họ đang có một vết thương.
Nhưng những lời an ủi tai hại này chỉ là một hậu quả không mong muốn của việc “an ủi đại trà”. Chính những người đăng những câu sáo rỗng này chắc cũng chưa nghĩ đến hậu quả của việc làm của họ. Có thể họ chỉ muốn tốt vì bản thân họ thấy trong quá khứ họ đã từng được chữa lành bởi những câu nói như thế.
“Cộng đồng mạng, tôi cần các bạn buồn!”
Vì chỉ có người buồn bã, tổn thương thì mới cần được chữa lành, việc bạn vượt qua nỗi buồn sẽ thu hẹp tập khách hàng của họ. Sẽ có những quyển sách, video, bài viết, hình ảnh đánh sâu vào tâm khảm người tiêu thụ. Nhìn đâu cũng thấy buồn thì làm sao một người đang tổn thương có thể vượt qua được chứ?
Thời đại ngày nay, không quá đáng khi nói mạng xã hội là ô cửa sổ để nhìn đời của mọi người. Chúng ta càng ở trên đó lâu, lướt qua thật nhiều quảng cáo, nhân vật đằng sau sẽ càng thu về lợi nhuận. Điều đáng buồn là mạng xã hội đang đầy rẫy những nội dung chữa lành này.
Khi được an ủi, dù là giả tạo, ta cũng sẽ phần nào thấy tốt hơn. Một cảm giác dễ chịu, nhẹ nhàng, như bỏ bớt gánh nặng. Như một viên thuốc giảm đau, điều gì sẽ xảy ra sau khi viên thuốc đó hết tác dụng mà căn nguyên nỗi đau vẫn còn? Ta lại tìm uống một viên nữa, ta tìm đến những nơi tràn ngập thuốc giảm đau. Ta uống một lần thật nhiều thuốc để kéo dài cảm giác dễ chịu.
Thuật toán của các nền tảng mạng xã hội không quan tâm bạn sẽ buồn hay vui trong tương lai. Họ chỉ muốn giữ chân bạn trên nền tảng của mình ngay lúc này, lâu nhất có thể. Và thế là chúng ta có một tập thể, một thế lực níu giữ bạn ở lại, che đi căn nguyên nỗi buồn của bạn và cách để thật sự vượt qua nỗi buồn đó.
Một điều ai cũng phải công nhận, mạng xã hội hiểu ta hơn ta hiểu chính mình. Vì mọi tin nhắn, hình ảnh, vị trí, sở thích, đang yêu ai, từng yêu ai, lí do chia tay… đều được ghi lại, lưu trữ, và phân tích.
Điều cuối cùng chúng ta muốn là có một kẻ trục lợi từ mình, đồng thời kẻ đó cũng hiểu mình từng chút một.
Địa bàn hành nghề
Khi bạn đã lỡ buồn một lần, chia sẻ nỗi buồn ấy của mình lên mạng xã hội. Một cái story, một tấm hình, một dòng trạng thái, một bài viết share về tường nhà… Nỗi buồn của bạn sẽ được phân loại, tìm hiểu, phân tích kỹ lưỡng.
Chỉ cần vài phút sau, tất cả những ứng dụng của bạn, Instagram, Facebook, YouTube, TikTok… tất cả những “ô cửa sổ” của bạn đều sẽ xuất hiện những bài viết tương tự. Vì đây là thứ bạn đang cần, thứ “năng lượng mà bạn tỏa ra” (theo cách nói của bộ môn giả khoa học Luật hấp dẫn).
Thế là bạn đã có cho mình những tiệm thuốc giảm đau, bạn không thể thoát ra khỏi nơi đó, vì bạn lệ thuộc vào nó. Tâm trí của bạn nếu không có nó sẽ phải đối diện với sự thật. Và chỉ có đối mặt sự thật mới có thể hoàn toàn vượt qua nghịch cảnh.
Mạng xã hội giờ đã trở thành địa bàn kinh doanh, một tay môi giới hiệu quả. Họ biết tất cả về người dùng của mình. Điều duy nhất họ cần bây giờ là một kho nội dung để nhóm khách hàng này tiêu thụ, và xen kẽ vào đó thật nhiều quảng cáo. Sự cạnh tranh trong thị trường này tăng vọt.
Những con nghiện nỗi buồn đang quá nhiều rồi, hãy cấp tốc sản xuất thuốc đi các content creators ơi!
Thứ nội dung độc hại, gây phụ thuộc này sẽ được rao bán khắp nơi, đập vào mắt người dùng. Đưa cho tôi thời gian, sự tập trung của bạn, tôi sẽ cho bạn vài viên thuốc giảm đau. Nếu bạn không đau, tôi sẽ nhắc bạn nhớ rằng bạn đang đau, và tôi cực kỳ hiểu bạn đấy!
“Là do bạn chưa đủ quyết tâm thôi!”
Những người buồn bã sẽ trách bản thân vì chưa cố gắng đủ nhiều, tại sao ư? Vì đã có người nói với họ “cố thêm chút nữa thôi, bạn sẽ vượt qua được!”. Vì thế nếu chưa vượt qua được họ sẽ nghĩ đó là lỗi của mình.
Cũng như thứ “mê tín thời hiện đại” mang tên Luật hấp dẫn. Hãy cố nghĩ về một ngày hạnh phúc, hãy tỏa ra rung động hạnh phúc. Mười năm rồi mà bạn chưa hạnh phúc ư? Đó là do bạn, vì bạn chưa thành tâm, chưa cố gắng hết sức để “tỏa ra năng lượng”.
Ghi chú
Đối với tôi điều này không giác gì việc cầu nguyện trong các tôn giáo xưa:
- Người truyền bá thì không thật sự hiểu mình đang nói gì cả.
- Các môn đồ thì nghe gì làm nấy không cần tư duy logic hay phản biện.
- Kết quả thì chả ai biết được, hên xui may rủi, vì thế có lần đúng lần không.
- Kết quả sai thì bỏ qua, đúng thì ghi nhận sau này ai nghi ngờ thì lấy ra làm bằng chứng.
- Đôi lúc kết quả sai thì quay ngược lại trách các môn đồ chưa thành tâm.
Xu hướng đổ lỗi nạn nhân này là một trong những ngụy biện phổ biến của những người chữa lành. Không phải thuốc của tôi không có tác dụng đâu, là do bạn đấy! Hãy tiếp tục xài thuốc và sẽ có một ngày nó hiệu quả thôi!
Thay vì câu “hãy cố lên nhé!” sáo rỗng, hãy giới thiệu cho họ những người bạn thật tâm, vừa đủ thôi, đừng như một cộng đồng. Người cô đơn dù có tham gia một trăm cái nhóm trên mạng xã hội thì cũng là người cô đơn. Vì cô đơn không phải vấn đề số lượng, nó là vấn đề chất lượng.
Nếu thật sự những cộng đồng này là hiệu quả, họ đã chẳng thể đạt được vài triệu thành viên là những con người đầy rẫy nỗi buồn. Giống một bác sĩ nổi tiếng chữa bệnh giỏi nhưng xung quanh ông đầy những bệnh nhân ông chưa trị khỏi bệnh.
Sẽ có một ngày các cộng đồng này đủ đông đảo, chủ nhóm lại chào giá với những người đi mua nhóm, mua trang mạng xã hội. Chẳng có gì lạ khi một ngày các trang này, bộ mặt của những người chữa lành này lại trở thành một nhãn hàng, một trang bán hàng online.
Kết lại
Bạn có thể cho rằng tôi là một người tiêu cực, ghen ăn tức ở, chưa làm được gì mà phê phán người khác. Có thể bạn đúng, chê trách tôi thoải mái, nhưng hiện trạng ngoài kia thật sự có những người như vậy. Những kẻ kiếm ăn trên nỗi buồn của người khác. Việc hạ thấp nhân phẩm của tôi không có nghĩa là họ không tồn tại nữa.
Và nạn nhân của họ, những cô gái trẻ mất cả thanh xuân ôm một “nỗi buồn nhân tạo”, vẫn đang ngoài kia. Lạo rạo trong các nhóm “buồn chung”, suốt ngày chỉ biết buồn bã và tiêu thụ. Theo dõi các trang liên tục đăng các bài viết giả tạo, nhắc nhớ nỗi buồn người đọc. Dành thời gian hâm mộ những con người mong muốn họ buồn thêm một thời gian nữa, buồn cả đời cũng được.
Tôi mong rằng cho dù có muốn tấn công danh phẩm của tôi thì bạn cũng sẽ lưu lại một vài suy nghĩ sau bài viết này! Cảm ơn bạn đã đọc hết nó!