Tập yêu những điều bình dị

Ngày 20 tháng 5 năm 2024

#thoughts
Mục lục

Mọi thứ bắt đầu vào mùa xuân năm 2020, tôi bắt đầu hành trình du học ở Úc. Cuộc sống du học sinh phải gọi là đủ sống là mừng. Gia đình tôi không thuộc kiểu khá giả, chỉ vừa đủ ăn và chi tiêu vài thứ lặt vặt. Tôi bắt đầu tìm tòi những kênh YouTube tiếng Anh để học thêm về thứ ngôn ngữ quá đỗi đại trà này. Cũng từ đó mà tôi biết đến chủ nghĩa tối giản (minimalism). Chủ nghĩa tối giản rất phổ biến trong lĩnh vực thiết kế, điển hình như phong cách Material You trên Android các đời gần đây cũng gần như là đỉnh điểm của ngôn ngữ thiết kế này (ít nhất là đối với tôi).

Điều thú vị bắt đầu khi tối giản không còn nằm im trong khuôn khổ những nhà thiết kế và lấn sân sang lĩnh vực đời sống. Nó thành một phong cách sống, một chủ nghĩa sống như thể người yêu âm nhạc thì sẽ đắm chìm trong thế giới thanh âm này. Tương tự, người theo chủ nghĩa tối giản sẽ đắm chìm trong “không gì cả” (ít nhất là về mặt vật chất).

Tối giản cực đoan

Như mọi chủ đề khác trên mạng, sẽ có một nhóm những nhà sáng tạo nội dung đưa các xu hướng này đến cực độ để nổi trội hơn giữa đám đông. Chẳng hạn như phong trào Mukbang khi du nhập vào thị trường YouTube Âu-Mỹ. Từ một dạng nội dung mang đến sự kết nối người với người trong các bữa ăn đơn độc, họ biến nó thành một bãi nhớp nháp, bê tha, đầy tiếng chóp chép và tởm lợm, chưa kể đến những nội dung ngược đãi động vật, cổ xúy nạn béo phì. Nói tới Mukbang thì tôi không thể không càm ràm…

Tiếc là chủ nghĩa tối giản cũng không ít chịu phải sự tha hóa này. Các nội dung về chủ đề này không bị tha hóa theo kiểu bê bết như Mukbang, nhưng lại lạc lối theo hướng “tối giản hình thức”. Chủ nghĩa tối giản không dừng lại ở “tôi sẽ sở hữu ít đồ hơn để tập trung vào những thứ quan trọng thật sự”, nó dần trở thành “hãy xem nhà tôi gọn chưa này”, “phòng của bạn có đẹp như phòng tôi không”, “tôi đã sống 10 năm qua với một cái quần lót như thế nào”.

Những nội dung thế này chắc chắn sẽ kéo được rất nhiều lược xem và tương tác. Nhưng đáng tiếc, xu hướng này biến chủ nghĩa tối giản thành một cuộc đua, cuộc thi về những tấm hình, video khoe mẻ sự gọn gàng, và chạy đua về con số. Điều này cũng giải thích được vì sao vài năm gần đây có không ít YouTuber thông báo không còn là “người tối giản” (minimalist) nữa. Vì họ theo đuổi một kiểu tối giản cực đoan và hình thức, đặt chủ nghĩa tối giản lên bàn, bỏ đi tất cả những thứ tích cực từ nó, chỉ gom lại sự hình thức, khoe mẻ, bất tiện khi sở hữu quá ít đồ đạc, dụng cụ. Theo đuổi thứ “tối giản cực đoan” này thật sự rất tốn năng lượng về tinh thần. Ngược lại hẳn kết quả mà chủ nghĩa tối giản hứa hẹn.

Bỏ bớt để được gì?

Chủ nghĩa tối giản đối với tôi là một phương châm sống có thể gói gọn lại trong một từ cần. Nếu như chủ nghĩa tiêu thụ (consumerism) đề cao cái muốn, cái khao khát được sở hữu càng nhiều càng tốt, thì chủ nghĩa tối giản sẽ đi ngược lại điều này. Phần này tôi sẽ nói nhiều hơn về “sống tối giản sẽ mất những gì”, chính xác hơn là sẽ “được mất” những gì.

Có những thứ bạn muốn nhưng không cần, và có thứ ta cần nên ta cũng muốn, lại có thứ ta rất muốn nhưng chả bao giờ cần. Đáng buồn là những thứ ta thật cần chưa bao giờ bị vùi lấp sâu như thời đại ngày nay. Hãy tưởng tượng một đàn vượn người tổ tiên chúng ta, họ đi săn, ăn uống no nê xong họ sẽ đói, cái họ cần lúc này là đồ ăn, bụng sôi rột lên vì đói, cái cần hiện lên rõ ràng trong đầu họ.

Thời đại này có khi ta còn nhịn đói để tiêu thụ, có khi bụng đã kêu nhưng vì đang xem dở bộ phim nên quên đi cơn đói mà chú tâm xem cho hết. Có người đang đói cồn cào nhưng vì đợt giảm giá này là không thể bỏ qua nên phải đứng xếp hàng dài cả một đoạn đường để vào mua cho bằng được.

Truyền thông của thế giới hiện đại được dẫn dắt bởi những kẻ bán hàng đặt lợi nhuận trên hàng đầu, chẳng trách chi con người ta quên thân mình mà dâng hiến cả sức khỏe, tương lai cho họ. Một tô bún bò ở đầu hẻm cũng sẽ xóa đi cơn đói, nhưng không, cái “cần được ăn” không thể đánh bại cái “muốn được ăn sang”. Đôi khi một bữa ăn không cần ngon nghẻ hay bổ dưỡng, chỉ cần đẹp…

Càng nhấn mạnh vào sự thèm khát không giới hạn của chúng ta, giá trị của chủ nghĩa tối giản càng hiện rõ. Trước khi bỏ tiền túi ra, hãy hỏi “tôi có cần cái này không?”, “thứ tôi đang mua là gì?”. Bạn đang mua món hàng này để khỏa lấp nhu cầu sống của mình, hay để giải tỏa cơn thèm được gieo trồng vào đầu bởi những kẻ bán hàng? Ngày nay, để phân biệt được hai điều này thật sự là rất khó, vì nạn thu thập dữ liệu và thao túng người dùng chưa bao giờ là tồi tệ như hiện nay…

Sống tối giản không mang lại cho bạn một bể máu đầy Dopamine và sự hưng phấn những khi cà thẻ hay đập hộp. Tối giản hướng đến một sự bình an ổn định và trường tồn hơn. Ăn xài xa xỉ, ê chề không phải là cái xấu thật sự, nó là biểu hiện, là triệu chứng của một thứ căn nguyên sâu xa hơn. Đó là sự “kiềm chế bản thân”, kẻ thù lớn nhất của những kẻ bán hàng.

Cũng có thể xem tối giản là phương pháp để sinh tồn trong xã hội hiện đại đề cao đồng tiền, mua sắm và tiêu thụ. Tối giản giảm bớt sao nhãng, phân phối lại thời gian, năng lượng tư duy vào những thứ quan trọng hơn, những cái “cần”, những cái thiết yếu cho một cuộc đời hạnh phúc và đáng sống. Tôi không nói một cuộc đời tiêu dùng, hưởng thụ vật chất là vô nghĩa và không đáng sống, tôi đang nói rằng chỉ cần đáp ứng cái cần là cũng đủ mang lại hạnh phúc rồi.

Đối với tôi, việc tự thưởng bản thân bằng việc tiêu xài thả ga sau một thời gian phấn đấu không phải lúc nào cũng xấu, nhưng nó không phải lựa chọn tốt nhất. Lưu ý là đối với tôi thôi nhé! Có thể bạn sẽ thấy tôi đang tỏ ra thượng đẳng, ra vẻ là mình hiểu biết hơn mọi người, thật tình mà nói, tin hay không thì tùy bạn nhưng tối giản đúng cách sẽ thật sự thay đổi cuộc đời bạn đấy! Vì nó đã hiệu quả với tôi, và tôi mong bạn cũng sẽ đi cùng tôi trên đoạn đường này!

Trải nghiệm của tôi

Việc sống tối giản với một du học sinh vừa đủ ăn có thể nói là không thể tránh khỏi, vì có muốn tiêu xài cũng không nỡ. Một hai tháng, ba mẹ ở nhà gửi tiền sang, nghĩ tới cảnh ba mẹ nhịn nhọt để dành tiền cho mình ăn học thật tình là không nỡ tiêu, chỉ dùng để trả tiền nhà và mỗi tuần một lần ra chợ mua thịt cá, rau củ, trái cây về ăn.

Ăn uống

Từng có một thời gian bên Úc, tôi nấu một nồi thịt kho để ăn cho một tuần, có tuần thì gà kho xả, khi thì ức gà ram. Ngán đến tận cổ, nhưng ngày hai bữa, ăn cũng chỉ để có sức học, chơi game với bạn bè. Tất nhiên táo và chuối là không thể thiếu. Dù là ăn uống có hơi ngán ngấy, nhưng sức khỏe lúc nào cũng bình ổn, tính ra còn ít khi bị bệnh hơn hồi còn ở Việt Nam đi ăn đi chơi, ăn ngon mặc ấm. Tôi nhận ra có vẻ phương châm “ăn để sống” phù hợp với mình hơn là “sống để ăn”.

Về Việt Nam được một thời gian nhưng có vẻ lối sống này vẫn còn thấm trong tôi và không có dấu hiệu “lìa xa”. Ngày tôi ăn hai cử, một cử trưa và một cử tối, tôi không ăn sáng, cũng không thấy xuống sức hay làm việc kém hiệu quả như những nhãn hiệu ngũ cốc ăn sáng hay tuyên truyền.

Lâu lâu có dịp đi chơi thì ăn ngoài, vào các khu thương mại “ăn sang”. Nói là đi ăn chứ tôi vẫn trọng những cuộc nói chuyện, kỷ niệm và trải nghiệm với bạn bè, người đi cùng hơn là món ăn. Chắc tại kiểu người tôi là vậy, trọng con người hơn những thứ khác.

Âm nhạc

Về âm nhạc, điều này thì hơi khó nói hơn, vì nghệ thuật đòi hỏi một tâm hồn phức tạp, nhiều tầng lớp và sâu xa, sự giản đơn có vẻ ít có đất diễn hơn ở sân khấu nghệ thuật này. Dù sao đi nữa, những bài hát tôi viết thường đơn giản trong giai điệu, nghe giống vài dòng nhật ký có giai điệu hơn là một bài hát.

Có lẽ vì kỹ năng viết của tôi vẫn còn hạn chế nên không thể màu mè hoa lá hẹ như những anh lớn và các huyền thoại cùng ngành. Có thể nói âm nhạc của tôi (các bài Tạp âm) khá đơn giản, đơn giản về mặt hình thức, cách thể hiện, chứ còn nội dung thì tùy vào độ suy diễn của người nghe nhé!

Mua sắm

Tôi rất ít khi mua đồ, cũng có thể vì thói hà tiện đã ăn vào máu những ngày bên Úc. Tôi không dùng Shopee, Lazada hay những trang thương mại điện tử, tôi hạn chế dùng Facebook, Instagram, YouTube, TikTok, hầu hết chỉ “sản xuất nội dung” thay vì “tiêu thụ” chúng.

Tôi không cài đặt những app mạng xã hội trên điện thoại, chỉ vào kiểm tra bằng trình duyệt web khi đang dùng máy tính. Tôi cố hết sức để hạn chế khả năng thu thập dữ liệu của các ông lớn công nghệ (Google, Meta, Amazon…). Tôi dùng Linux thay vì Windows, dùng Firefox cùng Ublock Origin để chặn quảng cáo nhiều nhất có thể. Những điều này tôi sẽ nói kỹ hơn ở những bài viết khác liên quan đến phần mềm.

Nói chung, tôi hạn chế tiếp xúc với các thuật toán, cả về cung cấp dữ liệu cho chúng, và nhận lấy quảng cáo, gợi ý từ chúng. Tôi quan niệm đây là công cụ chính để những kẻ bán hàng thao túng chúng ta, dẫn dắt, thuyết phục chúng ta xuống tiền, bỏ tiền cho những thứ ta bị “ép phải muốn”.

Tôi thường mua sắm vào dịp cuối năm, có khi một năm một lần, khi thì hai năm một lần. Tôi sẽ xách xe đi đến tập cửa hàng để mua, trả bằng tiền mặt. Tôi nghĩ việc bóc từng tờ tiền sẽ gây ấn tượng mạnh hơn về việc tiêu tiền, từ đó ta sẽ nhận thức rõ hơn hành động này, giúp ta có trách nhiệm hơn trong chi tiêu. Vả lại xách xe đến tận nơi cũng làm tôi đề cao việc đi mua đồ, tôi sẽ lên kế hoạch đi những cửa hàng nào, lên lịch trình đường đi… Biến việc mua sắm thành một trải nghiệm có chủ ý, ngăn không để mình mua sắm bừa bãi.

Có thể bạn sẽ xem tôi như kẻ dị hợm, lạc hậu và bảo thủ nhưng tôi e rằng sự kỳ thị của bạn dành cho tôi tuy là khiến tôi buồn nhưng sẽ không thể thuyết phục tôi cho phép bản thân mình tiêu dùng không giới hạn. Tôi biết hậu quả của chủ nghĩa tiêu dùng, tôi biết căn nguyên của nó, tôi sẽ không bao giờ ủng hộ nó, và việc tiêu thụ tẹt ga là một trong những nguồn nhiên liệu cho nó tiếp tục vận hành.

Tôi biết bản thân mình vốn nhạy cảm nên sẽ rất dễ dính phải cơn khoái cảm của việc mở hộp, chốt giỏ hàng, chờ shipper đến giao. Những nền tảng mua sắm biết rất rõ thói quen, tập tính tiêu dùng của chúng ta, suy cho cùng cũng giống như các sòng bạc hiểu rõ bản chất nghiện ngập của con bạc. Với một quả óc dễ bị ảnh hưởng, tôi biết mình có thể sẽ bỏ lỡ nhiều thứ từ việc mua sắm, nhưng thôi xin được làm kẻ dị hợm bình yên.

Những sở thích gần đây

Góc phòng nhỏ
Góc phòng nhỏ

Sáng nay ngủ dậy, tôi ngắm mặt trời trước cửa phòng vài ba phút, chụp một tấm hình góc phòng nhỏ của tôi. Bạn nhìn kỹ sẽ thấy có hai chậu khoai lang nhỏ. Dạo gần đây tôi có món khoái khẩu là khoai lang mật luộc, rất nhiều chất xơ và cũng chống đói cực kỳ hữu dụng, lại còn rẻ nữa, đúng nghĩa là ngon bổ rẻ.

Mỗi lần tôi mua 5kg, tổng cộng là 100.000VNĐ. Mỗi lần bỏ vào nồi hấp cách thủy khoảng 30 phút, để ủ một hồi cho mật trong khoai ứa ra theo dòng nước khi hấp thấm vào. Lúc đầu tôi luộc nhưng sau vài lần bỏ quên bị cạn nước cháy xén tôi đành để cách thủy, tuy lâu chín hơn những được cái an tâm…

Đợt vừa rồi ăn không kịp nên có hai củ ra mầm, thấy cũng đẹp nên tôi lấy trồng luôn, trông lá cũng xinh xinh. Cũng đâu cần cây gì đắt tiền, có hai củ khoai thôi cũng thấy đẹp, ăn thì bổ dưỡng, trồng thì đẹp, những thứ bình dị thế này thường bị bỏ quên, vùi lấp dưới những món xa xỉ hào nhoáng.

Ngoài khoai lang ra tôi với mẹ còn làm sương sâm, mua lá về rửa, bỏ vào máy xay sinh tố, cho nước vào xay nhuyễn, đổ ra vợt lấy nước. Để tủ lạnh tầm 30 phút là tụi nó đặc lại, mỗi lần ăn chế miếng sữa đặc vào ngon cực! Lá sương sâm thì thôi rồi là rẻ, ăn vào mát người, ổn định huyết áp còn hỗ trợ giảm cân cho mấy chị đẹp. Dây sương sâm cũng rất dễ trồng, tôi và mẹ có một dây trên sân thượng sau nhà.

Ngoài ra còn có món đậu đen luộc, ăn với sữa đặc, muốn kỳ công hơn thì làm hẵn một nồi chè đậu đen. Tuy ngon lắm nhưng mà không nên làm chè vì khá nhiều đường, dễ gây các đợt “blood sugar crash” (khi đường huyết dao động mạnh, vọt lên cao trong thời gian ngắn rồi hạ xuống thấp) ảnh hưởng tới tâm trạng trong ngày nhé!

Ngoài ra còn các món nguyên liệu đắt hơn một ít tôi học được từ văn hóa người Nhật, món súp rong biển tương Miso. Nghe lạ lạ nhưng rất dễ làm, nấu nước sôi, bỏ rong biển vào, một muỗng tương Miso, xong bỏ đậu hủ trắng vào, một ít bột nêm cho có vị mặn mặn. Mỗi bữa cơm có một miếng đậu hủ sốt cà chua, làm thêm chén súp rong biển Miso là ngon bổ (rẻ không thì tùy chỗ mua).

Điều tôi muốn nói ở đây là những thứ cơ thể chúng ta cần thật sự là rất dễ có, một phần vì những kẻ bán hàng không quan tâm đến nên rất rẻ. Đôi khi gặp mua được từ những cô bác trồng tại vườn sạch lắm. Nhà hàng làm hình thức thì rất đẹp mắt nhưng ai biết được đằng sau những miếng thịt và rổ rau đó là những gì. Nếu bạn có thời gian, hãy cùng ba mẹ, người thân làm những món như tôi vừa nói, chuẩn bị một bữa cơm, món ăn chơi tại nhà, vừa ngon bổ rẻ, vừa có thời gian nói chuyện, tăng sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình.

Hồi kết

Tôi mong rằng không bị bạn phán xét là dị hợm, lạc hậu hay bảo thủ, phía trên là trải nghiệm, góc nhìn của tôi về chủ nghĩa tiêu dùng và phương pháp chống chịu lại nó bằng chủ nghĩa tối giản. Mong nó sẽ mang lại cho bạn cảm hứng bắt đầu đơn giản hóa cuộc đời của mình từ nay, hoặc nếu bạn cũng là một người thích tối giản, mong bạn sẽ thấy bớt cô đơn trên đoạn đường này!

Đừng theo chủ nghĩa tối giản hình thức, quan trọng là bạn thật sự biết mình cần cái gì, tối giản nhưng không hy sinh sự tiện lợi. Dần dần sau khi căn phòng, thế giới vật chất đã hóa giản đơn, đầu óc, tâm trí chúng ta cũng đơn giản theo, những cảm xúc tiêu cực, thừa thải cũng từ đó mà tan biến. Không có cái giàu nào quý giá bằng giàu có sự hạnh phúc.

Tiền trong túi, sức lực trong mình, sự tập trung trong tâm trí là những nguồn tài nguyên mà các công ty lớn ngày đêm muốn khai thác từ mọi người. Cái họ cần là lợi nhuận chứ không phải sự hạnh phúc của “những thượng đế” mà họ hay gọi. Dù bạn có thấy việc sống tối giản thật phiền phức thì ít nhất cũng hãy nhớ lấy sự thật phũ phàng này.

Bài viết đến đây quá là dài rồi, vì tối giản là phương châm sống của tôi, nên nói về tối giản bao lâu cũng không hết, thật ngược đời nhỉ… Tối giản nhưng nói ra thì quá đỗi dài dòng… Cảm ơn bạn đã đọc đến đây!


Bài viết liên quan