Tôi biết đến David Eagleman - tác giả của cuốn sách này - qua một series các videos về tìm kiếm sự thật đằng sau thế giới hữu hình mà ta tưởng chừng như đã biết quá rõ này của kênh Closer To Truth trên YouTube.
Một vài videos để bạn tham khảo:
Ấn tượng của tôi về David Eagleman không chỉ là một nhà nghiên cứu về tâm lý học, thần kinh học mà còn là một người kể chuyện rất nhiệt huyết và gần gũi, dễ hiểu.
Quyển sách này của ông nói về sự kỳ diệu của khối vật chất nặng 1.6kg trong từng hộp sọ của mỗi cá nhân chúng ta - bộ não. Một siêu máy tính với tốc độ xử lý và mức tối ưu năng lượng không một công nghệ nhân tạo nào có thể tiệm cận.
Quyển tôi đọc là bản đã được dịch sang tiếng Việt bởi Trần Tuấn Hiệp.
Điểm cộng
Rất hiếm khi tôi làm được việc này, nhưng tôi hoàn thành cuốn sách này trong một ngày, với 4-5 ca đọc. Một phần do khoa học nói chung và thần kinh học nói riêng là một trong những chủ đề tôi hứng thú.
Lối hành văn của David thật sự là rất cuốn hút. Quyển sách có sáu chương lớn và trong mỗi chương lại có những đại ý cụ thể. Bố cục này giúp nội dung trở nên mạch lạc, cô đọng hơn.
Điểm tôi thích nhất ở David là cách ông đặt tựa cho từng chương dưới dạng một câu hỏi. Việc này làm người đọc có một động lực đi tìm câu trả lời trong lúc đọc, cảm giác được thôi thúc. Động lực không xuất phát từ việc ép buộc, mà chính bản thân người đọc muốn tìm ra câu trả lời cho mình nên họ luôn muốn đọc tiếp. Có thể là chỉ mỗi tôi cảm nhận như vậy, nên tôi đã không thể buông quyển sách này xuống được.
Ông có một góc nhìn rất lạ về việc mở rộng giác quan của con người, phần này được ông nhắc đến ở gần cuối sách. Giống như để lại một câu hỏi mơ hồ hơn, chỉ có thể trả lời trong tương lai, một niềm hứng thú và trông đợi, một tia lửa tò mò ngấm ngầm.
Có thể nói David ám ảnh với những chủ đề triết học, nhưng lại phải đi học về não bộ. Những câu hỏi ông đặt ra hầu hết mang tính triết học. Cái hay của ông là ông dùng khoa học hiện đại để giải đáp những câu hỏi đó.
Điểm trừ
Có thể đây là do bản dịch, quyển sách có một số phần ghi chú, cũng như giải thích thêm. Những phần này lại được đặt ngay giữa các đoạn văn làm việc đọc trở nên ngắt quãng rất khó chịu.
Ngoài ra, do để gần gũi hơn với người đọc, và bản chất đây cũng không phải một quyển sách học thuật nên các cơ chế hoạt động của neorons, hormones đối với tôi là chưa được tác giả giải thích kỹ.
Dễ hiểu thì có, nhưng bù lại khá chung chung. Về mặt hiện tượng, cấu tạo sinh học thì tác giả làm rất tốt. Nhưng về mặt cấu tạo mức độ hoá học và vật lý thì chưa được đề cập kỹ lắm. Ví dụ như Dopamine có cấu trúc hoá học như thế nào? Cái gì mang điện trong thân neurons? Cái gì đẩy những chất dẫn thần kinh đó chảy trôi trong não?
Thật ra những cái này tôi chỉ đang vạch lá tìm sâu, chứ không làm ảnh hưởng chất lượng hình thức lẫn nội dung cuốn sách cho lắm.
Đối tượng
Nếu bạn cũng như tôi, tò mò về những chủ đề triết học nhưng lại muốn dùng khoa học để giải quyết chúng. Thì đây là quyển sách dành cho bạn.
Có thể nói David với tư cách một nhà khoa học đã rất trung lập trong việc giải thích những vấn đề nổi tiếng là nhạy cảm (tự do ý chí, ý thức, thế nào là một người, những dòng code có thể có ý thức không). Ông không đá động đến những lĩnh vực khác, và chỉ tập trung dùng chuyên môn, kiến thức của mình để diễn giải.
Trích dẫn
[…] các yếu tố tâm lý tiêu cực như sự cô đơn, lo lắng, trầm cảm, và sự tức giận dẫn đến những căng thẳng tâm lý có liên quan đến suy giảm nhận thức nhanh hơn.
Não sinh ra đã có sẵn bản năng để phát hiện ai là người đáng tin, và ai không.
Để có những quyết định tốt hơn, điều quan trọng không chỉ là hiểu bản thân bạn mà còn phải hiểu mọi phiên bản của bạn.
Kẻ thù của ký ức không phải là thời gian; mà chính là những ký ức khác.