Hai mươi hai năm mượn địa cầu làm chỗ sống, viết cho đời được vài bài nhạc, bài ngắn, bài dài, bài vui không tới, bài buồn rười rượi.
Nếu ví nỗi buồn là một nhánh cây trong chiều gió thì chắc hồn tôi là một rừng cây rậm, và âm nhạc là những đợt gió dữ, vô tâm mà lại rất hăng hái. Gió đẩy, gió đưa, gió rủ mây mưa về tưới ướt cả một mảnh rừng. Bỏ lại sau lưng là những giọt thanh âm, giọt ôm lấy lá cỏ, giọt ánh lên dưới nắng chiều, giọt rớt rơi ngoài đất đợi tôi ghé ngang gom về làm câu hát.
Đã là người, có tri giác thì sẽ cảm được mưa buồn, không buồn tình thì buồn đời, buồn thân phận, buồn tương lai, buồn quá khứ, buồn ta, buồn người, buồn ngủ.
Tôi từng dùng những giấc ngủ như một liều thuốc lạ, đôi khi cả thảy những dòng điện tích trong quả óc đều mang những năng lượng tiêu cực thì cách trốn chạy tốt nhất là nằm thật im, để cơn ngủ và màn đêm lo chuyện còn lại.
Ánh mắt của nội tôi từng là những ánh mắt buồn, nội hay nhìn ra cổng đợi ba làm về. Cứ đến năm giờ chiều là nhóc Vinh năm chục tuổi mà như bé con của bà lại làm bà lo lắng.
Bà lo ba lỡ bữa cơm chiều, lo công việc làm ba mệt lừ, lo mưa Sài Gòn đổ lên vai ba, lo ba làm về thấy bà bệnh nặng hơn lại buồn, lo quả tim không còn đủ sức giúp bà chờ ba làm về nữa.
Ba kể lúc nội mất, bà vẫn cố đợi ba về đến cổng, đợi ba gục lên tay như đứa trẻ nhõng nhẽo sau ngày đầu đến lớp, nội bóp chặt tay ba một lần nữa rồi dần buông, buông tay, buông hơi thở cuối và buông nốt những nỗi lo già ngang tuổi ba.
Từ đó tôi không còn thấy ánh mắt buồn của nội, chỉ thấy nó di truyền, lây lan, ở trọ mắt ba những lúc thăm mộ bà. Ánh mắt nhìn xuyên bia đá, xuyên đất cát, xuyên cả thời gian để rồi chỉ nhìn thấy một màu buồn như bất tử.
Nhưng có vẻ những cảm xúc tệ kia vô lý thay lại là một món quà, một thứ thuốc thang chỉ có ở con người, nó tô đậm những ngày vui, nó làm quý giá hơn những giây nhếch môi cười, nó làm con người ta biết yêu đời, yêu người, rồi lạ lùng thay lại đem lòng thầm yêu luôn những nỗi buồn nhem nhúa, cũ kỹ.